Tư tưởng Vân_Môn_Văn_Yển

Những lời dạy của sư rất được ưa chuộng trong giới thiền sau này và không có vị nào khác sư được nhắc đến nhiều trong các tập công án lớn (Bích nham lục 18 công án, Vô môn quan 5 công án). Người ta nói rằng, pháp ngữ của sư lúc nào cũng đạt đủ ba điều kiện (Vân Môn tam cú 雲門三句):

  1. Hàm cái càn khôn (zh. 函蓋乾坤): Bao trùm đất trời, muôn vàn sự vật đều là diệu thể chân như, thích hợp với câu hỏi như nắp đậy nồi;
  2. Tiệt đoạn chúng lưu (zh. 截斷眾流): Có năng lực cắt đứt các dòng lưu chuyển của vô minh, suy nghĩ cảm giác phân biệt như một cây gươm bén;
  3. Tuỳ ba trục lãng (zh. 隨波逐浪): Thích hợp với khả năng tiếp thu của người hỏi như "một làn sóng theo một làn sóng".

Sư là một trong những Thiền sư đầu tiên sử dụng những lời vấn đáp của các vị tiền nhân để giảng dạy, và từ đây xuất phát ra phương pháp khán thoại đầu của Thiền tông sau này. Thông thường, sư đưa ra một "câu trả lời khác" (biệt ngữ 別語, ja. betsugo) những câu trả lời trong những cuộc vấn đáp (ja. mondō) hoặc pháp chiến (ja. hossen) được sư nêu ra giảng dạy. Sau đó sư lại nêu ra một câu hỏi và tự trả lời thay cho đại chúng với một "câu thay thế" (đại ngữ 代語, ja. daigo), như trong công án thứ sáu của Bích nham lục:

Sư bảo: "Mười lăm ngày về trước chẳng hỏi ông, mười lăm ngày về sau thử nói một câu xem?" sư tự đáp thay chúng tăng: "Ngày qua ngày, ngày nào cũng là ngày tốt" (nhật nhật thị hảo nhật 日日是好日).

Những câu trả lời của sư có lúc chỉ là một chữ duy nhất (nhất tự quan); chúng được xem là những công án hiệu nghiệm nhất trong thiền ngữ.

Mặc dù sư rất đề cao việc dùng ngôn ngữ sống động (hoạt cú 活句) để dạy và sử dụng nó rất tài tình nhưng sư lại rất kị ngôn ngữ trên giấy và nghiêm cấm môn đệ không được ghi chép lại những lời dạy của mình. Nhiều pháp ngữ của sư còn được truyền lại đến ngày nay là nhờ một môn đệ lén viết vào một ca-sa rồi sau đó mang xuống núi. Tông của sư được lưu truyền đến thế kỉ 12 và các vị kế thừa tông này đều đóng góp nhiều cho việc lưu giữ thiền ngữ cho những thế hệ sau.Tham khảo

    Tài liệu chủ yếu

    Tài liệu thứ yếu

    • App, Urs (dịch & chú dẫn): Master Yummen. From the Record of the Chan Master "Gate off the Clouds". New York-Tokyo-London, 1994. (Vân Môn Khuông Chân Thiền sư quảng lục 雲門匡真禪師廣錄, Taishō Vol. 47, No. 1988)
    • Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-kuang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
    • Từ điển Thiền Tông Hán Việt. Hân Mẫn & Thông Thiền biên dịch. TP HCM 2002.
    • Dumoulin, Heinrich:
    Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986.
    Bảng các chữ viết tắt
    bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên |
    pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán